Dù leo núi thể thao vẫn còn rất mới mẻ, cộng đồng leo trèo ở Việt Nam thường hay nhắc đến Hữu Lũng hay Quốc Oai (do VietClimb khai thác) hay thung lũng Liên Minh/Butterfly Valley (do Asia Outdoors khai thác). Các điểm đến leo núi ngoài trời này đều ở Miền Bắc, nơi tập trung nhiều núi đá vôi cực kỳ lý tưởng cho loại hình leo vách đá tầm cao có dây bảo hiểm (sport routes). Ở đây phổ biến địa hình karst, hình thành từ hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị bào mòn bởi nước, tạo nên những cấu trúc lồi lõm dạng hốc, lỗ, nhũ và măng đá trên các vách leo thường là dốc đứng – chính là những mấu bám ưa thích của người leo núi.
Càng đi về phía Nam, địa hình càng trở nên bằng phẳng. Tuy thế, vẫn có rất nhiều tiềm năng cho leo núi thể thao, đặc biệt là bouldering (leo khối đá). Ở đây, đồi thấp và đá tảng dần thay thế núi cao, đá vôi nhường chỗ cho granite. Do vậy, phương thức leo núi cũng thay đổi, từ những động tác khỏe và dài hơi đường dài sang những động tác tinh tế và đòi hỏi cân bằng nhiều cho các bài leo ngắn, dùng rất nhiều ma sát và lực ép lên các mép đá lồi và những mấu tròn nhỏ xíu.
Cho tới giờ này, có rất ít climbers từng lên đường tìm kiếm và khảo sát tiềm năng bouldering ở Phương Nam. Do đó, trong bài viết này, VietClimb mong muốn chia sẻ với bạn những kinh nghiệm về tìm kiếm khảo sát và hy vọng rằng các bạn sẽ cùng chúng tôi phát hiện nhiều hơn nữa những món quà mà Mẹ Thiên Nhiên ban tặng.
Lên mạng. Trước nhất, Internet có thể giúp bạn phác thảo trước những nơi có thể tìm được khối đá. Hãy dung Google Maps, Panoramio, flickr, bản đồ địa lý. Bạn cũng có thể tham khảo thêm từ người dân bản địa hay các nhóm hoạt động dã ngoại và thể thao ngoài trời như trekking hoặc đp xe địa hình. Một mũi tên trúng 2 đích, vừa có thông tin vừa có bạn mới, sẽ rất có ích cho hành trình của bạn.
Hành trang. Về dụng cụ, bạn cần ít nhất 2 tấm đệm đỡ chuyên dụng, bàn chải sắt và chổi nilon để làm sạch bề mặt đá, dao rựa và cưa để phát quang mặt đất nếu cần, ống nhòm để nhìn tầm xa. Với những khu vực đá lớn và cao, một đoạn dây thừng leo núi, vài đoạn dây neo, móc khóa carabiner và đai leo núi có thể sẽ hữu dụng. Về nhân sự, sẽ rất tốt nếu bạn có một đôi người đồng hành để tìm chỗ leo và phụ giúp, vì lý do an toàn và cũng để giữ bạn tỉnh táo nữa. Chuẩn bị kỹ về tinh thần nữa nhé, vì đi thám hiểm không hề dễ dàng, nhất là ở những nơi nóng như Hỏa Diệm Sơn mà chúng tôi đã đi qua. Mỗi ngày chúng tôi thường đi 2 ca, 6-10h sáng và 4-6h chiều để tránh bị bốc hơi và mất sức trong nắng trưa gay gắt.
Thành quả. Với những vùng leo đã được xác lập trước, bạn chỉ cần đi theo tọa độ GPS hoặc đường chỉ dẫn trước khi bắt đầu leo, rồi từ đó tìm kiếm những đường leo tiềm năng ở xung quanh. Còn khảo sát ở một khu vực chưa từng được khai thác lại là chuyện khác, khó khăn hơn, nhưng đáng giá vô cùng. Bạn lên đường đến một nơi hoàn toàn xa lạ, và có thể sẽ thất vọng vì không thấy được thứ mình tìm kiếm. Nhưng cái hay lại là ở đó, bạn không còn là một climber thụ động đi theo lối mòn vạch sẵn, mà đã trở thành một “người mở đường”. Khó có thể diễn tả hết cảm giác sung sướng và tự hào là người đầu tiên phát hiện và chinh phục những khối đá mà chưa ai từng chạm tay vào trước đó, như bạn là người nắm giữ bí mật của đá vậy. Khai phá bí mật ấy, tìm ra điểm leo mới, đây là lúc bạn đóng góp cho cộng đồng leo núi thể thao còn rất bé nhỏ ở Việt Nam.
Trang & Jean (VietClimb) đã dành 12 ngày để đi qua 4 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu. Chắc chắn thời gian chưa đủ dài và team của chúng tôi cũng còn quá nhỏ. Tuy vậy, chúng tôi hy vọng chuyến đi này có thể là bước khởi đầu, tạo cảm hứng cho các climber tích cực khám phá tìm kiếm điểm đến mới ngay xung quanh mình. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ kể chi tiết hơn về vấn đề kỹ thuật và địa hình có thể hữu ích cho những nhà leo núi tiên phong tương lai ở phía Nam Việt Nam.